Tin doanh nghiệp P&T

Tin doanh nghiệp P&T

PLC - Ưu điểm và ứng dụng trong công nghiệp

21.10.2015

1. Giới thiệu

PLC được viết tắt bởi từ Programmable Logical Controller (hay bộ điều khiển tự động có lập trình). Trong mỗi PLC thì một chương trình sẽ xác định chức năng bộ điều khiển cần thực hiện, chương trình này sau đó được nạp vào bộ nhớ của PLC. Khi đó, PLC sẽ thực hiện quá trình điều khiển dựa vào chương trình được nạp sẵn trước đó. Cấu trúc và sơ đồ đấu dây của bộ điều khiển PLC không phụ thuộc vào chức năng hay quá trình hoạt động. Tất cả linh kiện cần thiết để thiết kế mạch đều được nhà sản xuất lập trình sẵn trong bộ PLC như: Công tắc, nút nhấn và tất cả các cơ cấu chấp hành như rơle thời gian, rơle trung gian, bộ đếm, các cuộn dây… Trường hợp muốn thay đổi hay mở rộng chức năng của quy trình công nghệ ta chỉ cần thay đổi chương trình bên trong bộ PLC mà không cần phải đấu nối mạch điện.

2.  Ưu điểm của PLC  Sự ra đời và lớn mạnh của hệ điều khiển PLC đã làm thay đổi hẳn hệ thống điều khiển cũng như các khái niệm thiết kế mạch điện. Hệ điều khiển dùng PLC có những ưu điểm sau: - Số lượng rơle, timer, dây đấu nối giảm; - Công suất tiêu thụ nhỏ; - Phát hiện lỗi của hệ điều khiển nhanh; - Chức năng lập trình dễ dàng, ngôn ngữ lập trình dễ hiểu, dễ học. Thay đổi chức năng điều khiển nhanh bằng thiết bị lập trình. Khi có yêu cầu thay đổi công nghệ cần thêm tín hiệu đầu vào/ra, ta chỉ cần thêm module mở rộng; - Số lượng tiếp điểm sử dụng trong chương trình không giới hạn; - Đáp ứng nhanh và hiệu quả nhờ vòng quét để một chu trình điều khiển chỉ mất vài ms; - Độ tin cậy cao, kích thước nhỏ gọn, dễ dàng bảo quản, việc bảo trì và sửa chữa hệ thống thuận lợi; - Dung lượng chương trình lớn, có thể chứa được nhiều chương trình phức tạp; - Kết nối được với các thiết bị thông minh khác như: Máy tính, kết nối mạng Internet, các Module mở rộng.

3. Ứng dụng PLC trong công nghiệp Từ các ưu điểm trên, hiện nay PLC đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong công nghiệp như: - Giám sát quá trình trong nhà máy nhiệt điện, thủy điện; - Dây chuyền đóng gói; - Dây chuyền sản xuất bia, rượu; - Dây chuyền sản xuất xi măng; - Hệ thống nâng, vận chuyển; - Hệ thống bơm nước sinh hoạt, xử lý nước thải; - Quản lý tự động bãi đậu xe; - Điều khiển thang máy; - Dây chuyền công nghệ chế biến thực phẩm, may mặc; - Dây chuyền công nghệ sản xuất giấy; - Hệ thống báo động… Ngoài ra, người ta còn sử dụng PLC trong các ứng dụng giám sát các quá trình trong các nhà máy cán tôn, cán thép, các dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử trong các nhà máy, robot, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm… bằng các công tắc hành trình hoặc các sensor và rất nhiều các ứng dụng nữa.

Theo Kỹ sư Trần Hồng Thanh - Hawee